Qúa trình hình thành vùng đất và dân cư



Qúa trình hình thành
vùng đất và dân cư
Lịch sử huyện Đất Đỏ bắt đầu
vào thế kỷ XVI, khi lưu dân Việt vào khai phá. Nhất là từ đầu thế kỷ XVII, lớp cư dân người Việt
từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã vào
đây khai phá vùng đồng bằng ven sông, ven biển và cùng với người dân tộc bản
địa Mạ, Châu Ro trở thành chủ nhân mới của vùng đất này. Đất Đỏ là vùng đất địa
đầu mà người Việt đặt chân vào khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi
khác ở Nam Bộ.
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ thành hầu
Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý ở vùng đất hoang hoá phương Nam, ông đã lấy đất
Nông Nại lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn
Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. “Đất lành chim đậu”, nhiều lớp cư dân đã
chọn Đất Đỏ, vùng đất trù phú làm quê hương mới.
Dân số
sống tập trung tại các thị trấn và vùng ven biển như: thị trấn Phước Hải, thị
trấn Đất Đỏ... Người Kinh chiếm tỷ lệ 85%, còn lại là người Hoa, Châu Ro. Trên
90% người dân theo đạo Phật và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, còn lại theo đạo
Cao Đài, Công giáo và đạo Tin Lành.
Nhân
dân Đất Đỏ sinh sống bằng những nghề truyền thống như làm lúa nước, đánh bắt
hải sản, và những nghề đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân như nghề mộc, nghề
chạm khắc gỗ, làm gốm,... Nơi đây có những làng nghề truyền thống như làng gạch
ngói, nồi đất Long Mỹ; làng nghề đan đệm buồm bằng lá buông ở
Phước Lợi (xã Phước Hội) có tiếng từ đầu thế kỷ XX. Những tấm biểu ngữ làm bằng
đệm buồm được treo trong những ngày sôi nổi của Cách mạng tháng Tám tại tỉnh Bà
Rịa là do chính bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây làm ra.
Đất Đỏ xa xưa đã nổi tiếng với những sản phẩm khai thác
từ rừng, biển, các loại trái cây đặc sản. Sách Đại Nam nhất thống chí
chép như sau: Lãnh thâm: sản ở huyện Phước An, mềm dịu láng bóng, đứng đầu
trong nước. Muối: sản ở huyện Phước An. Dầu rái, nhựa trám, gỗ sao, gỗ thuận,
gỗ sến, gỗ hoàng đàn, gỗ trụ, tre vàng, trúc lồ ô, tre xanh, mây rồng, mây tàu,
mây chằm: những sản vật ấy đều sản ở núi chằm các huyện, ích lợi rất nhiều. Hoa
quả: quả măng cụt, lựu, cam, quýt, bưởi, chanh, mãng cầu, hoa cúc, hoa sen, hoa
quì, hoa mào gà, hoa mẫu đơn, hoa nhài: chỗ nào cũng có. Vị thuốc: thổ sâm
thoái cốt bổ ([2]).
Cuối thế kỷ XVII, người Việt đã sinh sống rất nhiều ở xứ
này. Liên tục trong nhiều thế kỷ, những cư dân từ miền Trung đến xứ Đất Đỏ,
cùng đồng bào các dân tộc bản địa đoàn kết một lòng, dựng làng, mở cõi, tạo nên
những cánh đồng rộng lớn, xóm làng trù phú. Nghề đánh bắt thuỷ hải sản phát
triển sớm ở Phước Hải, người dân nơi đây lập miếu thờ Bà, thờ Ông Nam Hải, Quan
Thánh đế quân hay Bà Ngũ hành, là những bậc giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cứu
khổ, cứu nạn, giúp người đi biển gặp chuyện không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn
được gìn giữ và phát triển. Các lễ hội hàng năm ở lăng Ông Nam Hải, thị trấn
Phước Hải và lễ hội tại các đình thần ở hầu khắp các xã, cầu cho xóm làng bình
yên, mưa thuận, gió hoà, được mùa tôm cá... phản ánh nét văn hoá đặc sắc và có
sức hấp dẫn của cư dân vùng đất này.
Quá
trình khai phá, xây dựng vùng quê mới, người dân nơi đây vẫn giữ và phát huy
những phong tục tập quán truyền thống. Ở các làng, xã, Nhân dân đều dựng đình,
chùa, đền, miếu và tổ chức lễ hội hàng năm. Đình là nơi sinh hoạt tinh thần của
làng. Đền là nơi thực hiện những lễ nghi đối với các nhiên thần và nhân thần -
các vị anh hùng được tôn là thần thánh có công với làng, với nước. Chùa là nơi
sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống. Lễ hội thờ Ông Nam Hải ở Phước Hải và lễ hội
tại các đình thần ở làng xã trong Huyện tổ chức sôi động hàng năm, thu hút đông
đảo Nhân dân không chỉ trong vùng mà Nhân dân các địa phương cả nước cũng về dự
hội đã phản ánh nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của Nhân dân làng biển.
2. Tín ngưỡng trên địa bàn Đất Đỏ
Người
dân Đất Đỏ thờ thần núi, thần sông, thần biển, nữ thần và các vị thần có công
với làng, với nước. Nhiều tập tục truyền thống của người Việt đã theo lớp lưu
dân du nhập vào, lưu truyền trong vùng đất này. Cần cù lao động, siêng năng học
hỏi, trọng nhân nghĩa, thuỷ chung, làm điều lành, lánh điều ác, ghét chiến
tranh, yêu hoà bình là những tập tục được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Đất Đỏ
là nơi có rạp hát sớm nhất ở Bà Rịa. Tại đây, nghệ thuật hát bộ từ lâu đã rất
hưng thịnh. Ông Trần Văn Dõng (làng Phước Hải) là người đầu tiên từ miền Trung
vào, đã bày ra cảnh hát bộ để giúp Nhân dân giải trí sau những ngày lao động
mệt nhọc. Ông cũng là người đã nghĩ ra nhiều nghi thức tế lễ, thờ phượng, tục
hát đình, cúng đình còn duy trì đến ngày nay. Để tưởng nhớ đến công ơn đó, Nhân
dân ở đây đã đổi tên ông thành Trần Quý Dõng và tôn là “Hậu hiền” hay “Hậu
tạo”.
Như vậy, quá trình hình thành và phát triển của vùng đất,
và dân cư Đất Đỏ trải qua nhiều
thế hệ, Nhân dân địa phương đã đoàn kết, chinh phục thiên nhiên, khai phá rừng
hoang, mở đất, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, đông đúc. Những lớp cư dân
này sống hoà thuận, đoàn kết, yêu mảnh đất cha ông để lại, căm ghét bất công.
Truyền thống đó đã tạo nên sức mạnh giúp Nhân dân Đất Đỏ kiên cường đấu tranh
chống giặc ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng
thời trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.