Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trường THPT Dương Bạch Mai
NHÀ CÁCH MẠNG DƯƠNG BẠCH MAI


TÓM TẮT TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG DƯƠNG BẠCH MAI

Đồng chí Dương Bạch Mai sinh năm 1905, quê ở xã Long Mỹ – Huyện Đất Đỏ. Ông nội là một địa chủ lớn, bố làm thư ký tòa Thống đốc Nam Kỳ. Nhưng ông sớm nhận thức được nỗi thống khổ của người dân mất nước, sự cai trị tàn bạo của thực dân Pháp và bọn tay sai bóc lột.

Dương Bạch Mai thuở nhỏ học ở quê nhà, sau đó lên Sài Gòn, theo học trường cao đẳng thương mại Đông Dương, năm 1924 tốt nghiệp trường này, làm việc ở xí nghiệp in; được một năm, đồng chí sang du học tại Pháp. Thời gian ở Pháp, đồng chí đã tham gia vào những phong trào yêu nước của sinh viên, vào tổ chức Đảng Việt Nam độc lập do một số nhà yêu nước Việt Nam sáng lập tại Pháp. Sau đó, đồng chí gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp. Năm 1928, trong một cuộc xô xát tại khu đại học La Tinh (Pari) giữa một nhóm sinh viên tiến bộ và sinh viên cực hữu, đồng chí bị bắt giam một thời gian ngắn. Năm 1929, đồng chí được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang Mátcơva liên lạc với Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi vào học trường Đại học Đông Phương Staline. Năm 1933, đồng chí trở về nước và hoạt động tại Sài Gòn, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác LêNin, tham gia các tổ chức yêu nước. Năm 1936, đồng chí ứng cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn nhân danh mặt trận vô sản thống nhất và đã đắc cử vẻ vang.

Từ khi đắc cử, có tiếng nói công khai trong Hội đồng quản hạt, nhóm của đồng chí đã gây một tiếng vang lớn trong sinh hoạt chính trị và báo chí ở Sài Gòn. Do đó, thực dân Pháp rất căm ghét và tìm cách trả thù những người trong nhóm. Cùng thời gian này, đồng chí cùng các đồng viện tổ chức phong trào “Đông Dương đại hội” liên hiệp các lực lượng yêu nước kể cả những người Cộng sản trên mặt trận chống Pháp, nhằm vận động dân sinh, dân chủ. Đông Dương đại hội đã làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng những năm 1936-1939 phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều cuộc mít tinh được dâng nguyện cho nhà cầm quyền, yêu cầu mở rộng dân chủ, cải thiện đời sống nổ ra khắp nơi. Phong trào từ thành thị lan về nông thôn. Ở Nam Bộ đã thành lập được 600 Uỷ ban hành động. Trước tình hình ấy, bọn phản động thuộc địa và tay sai của chúng rất hoảng sợ, tìm mọi cách phá cuộc vận động. Chúng cấm phát hành một số tờ báo tiến bộ thời bấy giờ. Các cuộc hội họp quần chúng đều được bọn tay sai của địch, bọn mật thám bố trí theo dõi chặt chẽ. Cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 mà mở đầu là cuộc vận động Đông Dương Đại hội được Đảng ta đánh giá là cuộc diễn tập thứ hai chuẩn bị cho cách mạng tháng 8/1945. Lo sợ trước phong trào lớn mạnh của quần chúng nhân dân lao động, thực dân Pháp đã giải tán Ủy ban hành động và đàn áp phong trào Đông Dương đại hội. đồng chí Dương Bạch Mai bị bắt giam. Chúng đưa ra tòa xử án rồi cưỡng bức lưu trú ở Cần Thơ. Đồng chí đã tuyệt thực, phản đối gây xôn xao dư luận tiến bộ thời bấy giờ. Cuối cùng, chúng đành trả tự do cho đồng chí.

Năm 1939, nhân chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp vịn vào tình trạng chiến tranh, bắt đồng chí đày đi Côn Đảo một lần nữa. Mặc dầu chế độ nhà tù Côn Đảo rất khắc nghiệt, chúng đánh đập tra tấn dã man, luôn luôn bị theo dõi nhưng đồng chí luôn luôn giữ vững khí tiết của mình. Khác với mọi người chủ trương không hoạt động nằm im chờ thời. Dương Bạch Mai cùng một số đồng chí trong nhà tù vẫn tiếp tục đấu tranh tham gia giảng dạy văn hóa, chủ nghĩa Mác Lê nin cho những người tù. Đến năm 1943, đồng chí Dương Bạch Mai mới được thả tự do nhưng vẫn bị quản thúc tại Tân Uyên – Bình Dương.

Được tự do, đồng chí về Sài Gòn tìm cách bắt liên lạc, tham gia xứ ủy Nam Kỳ. Thời gian này, đồng chí là cán bộ đại diện của Xứ ủy nhiều lần xuống các vùng Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu để tuyên truyền chính sách Việt Minh, khuyến khích các hoạt động yêu nước của quần chúng; uy tín của đồng chí đã ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền ở một số địa phương. Trong thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền, đồng chí nhiều lần về Bà Rịa, Long Điền bắt liên lạc và cùng các Đảng viên cũ tập hợp lại thành lập chi bộ Bà Rịa, chỉ đạo lực lượng Thanh niên tiền phong, tổ chức giành chính quyền ở Bà Rịa. Tại Vũng Tàu, đồng chí đã gợi ý thành lập Thanh niên cứu quốc. Đến năm 1945, theo sự chỉ đạo của đồng chí, Quốc gia tự vệ cuộc (ngành công an bây giờ) Vũng Tàu đã nhận nhiệm vụ tiêu diệt một số tên tay sai của giặc. Từ ngày 17 đến 29/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ mở hội nghị tại Chợ Đệm để bàn các vấn đề quan trọng như đưa mặt trận Việt Minh ra công khai, tổ chức cướp chính quyền ở Tân An làm điểm, khẩn trương chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh. Xứ ủy phân công đồng chí về Bà Rịa – Vũng Tàu truyền đạt nghị quyết của Xứ. Được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tại Bà Rịa và Vũng Tàu. Theo hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, sáng 28/8/1945 hơn 4000 đồng bào Vũng Tàu đã tập trung tại sân vận động Lam Sơn. đồng chí Dương Bạch Mai đại diện xứ ủy Nam Kỳ phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc trong Ủy Ban hành chính lâm thời Nam Bộ, kiêm thanh tra chính trị Miền Đông đã long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này chính quyền thật sự về tay nhân dân”.

Năm 1946 tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa, đồng chí Dương Bạch Mai được bầu là đại biểu Quốc Hội. Cùng trong năm này, đồng chí được cử làm thành viên của phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị tại Đà Lạt để đàm phán với Pháp về vấn đề Việt Nam và chủ quyền độc lập của Việt Nam. Tại hội nghị này, đồng chí nổi tiếng là một nhân vật có những ý kiến rất thẳng thừng tranh luận với các thành viên người Pháp. Sau Hội nghị Phông – ten – nơ – blô, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định là quyền Trưởng đoàn đại diện Chính phủ tại Pháp. Sau đó, thực dân Pháp phản bội tạm ước ngày 14/9/1946, chúng bắt đồng chí đưa về giam lỏng tại nhà lao Kon Tum. Ngày 14/7/1949, đồng chí được một đơn vị tình báo giải thoát. Thực dân Pháp trao giải thưởng 5000 phờ-răng cho ai bắt hoặc chặt đầu người đã giải thoát đồng chí. Thoát khỏi ngục Kon Tum, đồng chí ra chiến khu Việt Bắc công tác ở Trung ương và giữ chức Phó ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (nay là UBMTTQVN).

Đồng chí đã qua đời vào ngày 4/4/1964 tại Hà Nội, hưởng dương 59 tuổi. Năm 1995, thi hài đồng chí được an táng tại quê nhà. Cuộc đời đồng chí Dương Bạch Mai là một cuộc đời luôn luôn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đất nước. Đồng chí được coi là người Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu./. Tên đồng chí được trang trọng đặt cho tên ngôi trường THPT cấp 3 của huyện trường THPT Dương Bạch Mai.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 368
  • Tất cả: 64434