DI TÍCH LỊCH SỬ DỐC CÂY CÁM
Di tích lịch sử Dốc Cây Cám thuộc địa phận ấp Núi Nhọn, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 55 (lộ 23 cũ) đi qua, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012 (theo Quyết định số 932/QĐ-UBND, ngày 16/5/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo tư liệu, tháng 3/1947, Chi đội 16 tổ chức trận phục kích giao thông tại dốc Cây Cám lộ 23, do Chi đội trưởng Huỳnh Văn Đạo trực tiếp chỉ huy trận đánh. Trận đánh giao thông được chuẩn bị chu đáo, từ việc chế tạo mìn đánh xe đến việc sử dụng cơ sở ở Đất Đỏ nắm chắc quy luật hành quân của địch. Đoàn xe quân sự của địch từ Đất Đỏ theo lộ 23 lên Xuyên Mộc, đến dốc Cây Cám thì mìn nổ, đoàn xe địch bị chặn đứng. Địch sử dụng hỏa lực phản kích quyết liệt. Chi đội 16 tổ chức làm nhiều mũi chia cắt đội hình diệt một đại đội lính Âu Phi (140 tên), trong đó có một tên là Thiếu tá, phá hủy 10 xe quân sự, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự. Đây là trận đánh giao thông đầu tiên của Chi đội 16, một trận thắng lớn nhất tại Bà Rịa kể từ ngày thực dân Pháp trở lại xâm lược, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh, đặc biệt là động viên tinh thần nhân dân quận Đất Đỏ. Du kích nhiều xã như: Phước Tụy, Phước Thọ, Phước Hiệp, Long Hòa đã thoát ly xin đầu quân vào Chi đội 16.
Ngày 07/5/1954, tin chiến thắng vang dội trên chiến trường Điện Biên Phủ làm nao nức lòng quân, dân Long Đất. Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ ý chí xâm lược của thực dân Pháp, bọn ngụy quân, ngụy quyền tan rã. Hiệp định Genève (21/7/1954) đã kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Các lực lượng vũ trang và công an, dân-chính-Đảng của tỉnh có danh sách đi tập kết được phiên chế thành Trung đoàn Bà-Chợ, vừa làm nhiệm vụ chuẩn bị, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn cho các lực lượng của tỉnh và của Khu về khu vực tập kết.
Lúc này địa bàn Hàm Tân – Xuyên Mộc (khi đó thuộc huyện Long Đất) được chọn làm khu vực tập kết, Ban quân sự hai bên (Quân đội nhân dân Việt Nam và Pháp) đặt trụ sở tại Đất Đỏ để làm công tác tập kết chuyển quân. Đồng chí Lê Duẩn trong cương vị Trưởng Ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ đã đến tận Bà Tô để chỉ thị công việc trước mắt cho Tổ liên hiệp đình chiến ở Xuyên Mộc.
Thực hiện tinh thần hiệp định, ngày 22/9/1954, lực lượng vũ trang 3 tỉnh miền Đông là Bà Rịa – Chợ Lớn, Gia Định – Ninh, Thủ Biên hành quân về khu Xuyên Mộc – Hàm Tân để chuẩn bị tập kết. Một tháng sau, lực lượng vũ trang tập trung về Dốc Cây Cám, lên xe quân sự của Pháp đưa đến bến Gò Dầu để sang Vũng Tàu chuyển qua tàu lớn ra miền Bắc. Chính tại nơi đây-Dốc Cây Cám, cửa ngõ của khu tập kết, đã diễn ra cuộc chia tay lưu luyến đầy xúc động của hàng vạn đồng bào huyện Đất Đỏ và các tỉnh miền Đông đến tiễn đưa lực lượng tập kết, hẹn ngày trở về thống nhất đất nước.
Bia lưu niệm cuộc tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ các tỉnh miền Đông Nam bộ lên đường tập kết ra Bắc năm 1954 tại di tích lịch sử cách mạng dốc Cây Cám.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ bước sang trang sử mới của thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ luôn chú trọng, quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng, trong đó có di tích lịch sử Dốc Cây Cám – địa điểm tập kết lực lượng vũ trang các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày 17/12/2009, huyện Đất Đỏ long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành khu di tích lịch sử Dốc Cây Cám, với tổng kinh phí đầu tư 1,561 tỷ đồng, với diện tích 1.036m2. Khánh thành khu di tích lịch sử Dốc Cây Cám là một việc làm rất có ý nghĩa, có tác dụng lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực trong sự nghiệp đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện Đất Đỏ. Việc phục chế di tích Dốc Cây Cám là một minh chứng cụ thể, là nguồn sử liệu sống, là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mãi mãi trân trọng giữ gìn, noi theo và tiếp tục phát huy truyền thống đó.