Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trường THPT Dương Bạch Mai
TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC, ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG Ở ĐẤT ĐỎ

TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC, ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG Ở ĐẤT ĐỎ

a. Phong trào trước năm 1930

Năm 1859, Nhân dân Đất Đỏ đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, đánh vào các tuyến phòng thủ của giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận cách đánh du kích của nghĩa quân rất lợi hại: Họ xuất hiện bất ngờ, đông đảo, đánh phá, rồi lại rút đi đâu mất ([1]).

Ngày 17 tháng 12 năm 1861, quân Pháp chiếm Biên Hoà và ngày 07-01-1862, chúng xuôi dòng Đồng Nai chiếm Bà Rịa, Đất Đỏ chiếm trọn ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Không cam chịu cảnh nô lệ, Nhân dân Đất Đỏ tiếp tục hăng hái hưởng ứng phong trào chống Pháp. Trai tráng các làng gia nhập nghĩa quân. Nhân dân Đất Đỏ góp tiền, góp gạo sát cánh cùng nghĩa quân đứng lên đánh Pháp. Nhân dân địa phương đã góp sức cùng nghĩa quân dựng đồn, đào hào, đắp luỹ, đánh địch. Nghĩa quân Trương Định tại Bà Rịa, Vũng Tàu đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, làm thực dân Pháp phải hoảng sợ. Phong trào kháng chiến chống Pháp do Tri phủ địa phương là Nguyễn Thành Ý khởi xướng cũng được đông đảo nhân dân trong vùng hưởng ứng. Phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân Đất Đỏ sôi nổi từ buổi đầu đã gây được tiếng vang lớn và quan trọng hơn là đã tạo ra tiền đề cho các bước phát triển của phong trào chống Pháp ở những giai đoạn sau.

Thực dân Pháp đã tổ chức khai thác và bóc lột người lao động thậm tệ. Chúng đã dùng chính sách đấu giá để tập trung ruộng đất vào một số gia đình khá giả, một số gia đình có người làm quan lại cho giặc. Thực dân Pháp đặt ra hàng loạt thứ thuế rất nặng như: thuế thân, thuế điền, khiến người nông dân lâm vào cảnh khốn cùng. Cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (xuất bản năm 1925 tại Paris, đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp trên đồng muối như sau: “Tháng 3-1922, một nhân viên nhà đoan ở Bà Rịa (Nam Kỳ) đã đánh gần chết một phụ nữ Việt Nam làm phu đội muối, lấy cớ chị đã làm ồn ào dưới hiên nhà hắn làm hắn mất giấc ngủ trưa. Tuyệt hơn nữa là người phụ nữ ấy còn bị đe doạ đuổi khỏi công trường muối nếu chị kêu kiện” ([2]).

b.Phong trào đấu tranh sau 1930, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin, xây dựng chi bộ cộng sản đầu tiên.

Đầu thế kỷ XX, mặc dù, chưa lớn mạnh về lực lượng song vốn có tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, mang nặng mối thù giai cấp và dân tộc, giai cấp công nhân đã sớm giác ngộ cách mạng, sát cánh cùng nông dân và nhân dân lao động chống thực dân Pháp, chủ động đón nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Sau một thời gian tìm hiểu, đồng chí Hồ Duy Tân cùng  các đồng chí Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long, đã tổ chức cuộc họp tại nhà ông Trần Bá Thiên, xã Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải) vào tháng 2/1934, tuyên bố thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên là Trần Văn Cừ (bí thư), Nguyễn Văn Long và Hồ Tri Tân.. Đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Từ khi chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời tại Phước Hải (năm 1934), cùng với Đất Đỏ, Long Điền vùng công nhân cao su đã trở thành địa bàn hoạt động tin cậy của Đảng, góp phần đắc lực vào việc phát triển phong trào cách mạng ở địa phương.

    c.Đấu tranh chống khủng bố chuẩn bị lực lượng giành chính quyền.

            Mùa xuân năm 1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập và chủ trì hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc.

            Trong thời gian này quân Nhật đã triển khai lực lượng tại Đất Đỏ, nhân dân càng thêm khổ cực dưới ách áp bức bóc lột của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Phong trào cách mạng tại tỉnh Bà Rịa từ giữa năm 1943 đã từng bước được khôi phục. Các đồng chí Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch vận động xây dựng lại các tổ chức cách mạng chuẩn bị lực lượng giành chính quyền khi có thời cơ.

Thực hiện nghị quyết và chỉ đạo của xứ Ủy Nam Kỳ về việc chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ;  ngày 23 tháng 8 năm 1945 chi bộ Bà Rịa họp mở rộng tại Long Điền quyết định sử dụng lực lượng thanh niên Tiền phong, tất cả các xã trong tỉnh có trang bị vũ khí thô sơ và huy động đồng bào toàn tỉnh về Bà Rịa giành chính quyền vào sáng 25 tháng 8 năm 1945.

Rạng sáng sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945 một vạn người hàng ngũ chính tề tập hợp tại trung tâm tỉnh lỵ.Đoàn các xã thuộc Đất Đỏ với tầm vông vạt nhọn và các tấm khẩu hiệu làm bằng đệm buồm “Ủng hộ Việt Minh “, “chính quyền về tay nhân dân” rần rộ kéo đi hân hoan như vào ngày hội lớn. Sau lễ mít tinh giành chính quyền thanh niên Tiền phong các xã tập hợp thành từng đoạn trở về giải giải toán toàn bộ tề xã thành chính quyền cách mạng.

Cách mạng tháng Tám thành công, đã đưa nhân dân Đất Đỏ từ người dân nô lệ hàng trăm năm trở thành người dân tự do. Cách mạng tháng Tám 1945 là niềm tự hào là thành quả cách mạng của gần 15 năm đấu tranh cách mạng của nhân dân Đất Đỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

    d. Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ kháng chiến chống thực dân Pháp đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn huyện Đất Đỏ.

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, Đảng bộ và các lực lượng kháng chiến huyện Đất Đỏ đã thực sự trưởng thành và lớn mạnh. Trên 3.000 ngày kháng chiến quân và dân đất đỏ đã cùng quân và dân toàn tỉnh góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tuy nhiên hiệp định Giơnevơ ký chưa giáo mực, Mỹ đã lộ rõ bộ mặt xâm lược nhằm độc chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á.

Cùng nhân dân cả nước, nhân dân huyện Đất Đỏ tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau hơn 30 năm đấu tranh kiên cường gian khổ hi sinh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân đất đỏ đã toàn thắng. Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng chính trị, binh vận của quần chúng cách mạng chỉ trong vòng chưa đầy 2 ngày ngày từ sáng ngày 26 đến chiều 27 / 4 /1975, quân và dân Đất Đỏ đã đánh tan toàn bộ lực lượng ngụy quân ngụy quyền trên địa bàn làm chủ chi khu và quận lỵ Đất Đỏ ,đánh tan lực lượng địch tương đương 2 tiểu đoàn đi từ Xuyên Mộc kéo về, giải phóng hoàn toàn quê hương và góp phần đưa bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh vượt Cửa Lấp thực hiện thắng lợi giai đoạn 2 của chiến dịch giải phóng thành phố Vũng Tàu.



[1] Năm đầu của Nam Kỳ thuộc Pháp - Vian. Trích lại báo Nhân Dân, tháng 4-1975.

[2] Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự thật, HN, tr.46.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 594
  • Tất cả: 65537